"Hôm nay mình đi tiêm Vaccine"

Với biến chủng Delta, đối tượng nhiễm COVID-19 đang trẻ hóa từng giờ từng khắc, và đối tượng tiêm vaccine cũng vậy. Đó có thể là những người bạn, người em của chúng mình hôm nay. Thậm chí, chinh chúng mình sẽ phải lặp lại trải nghiệm không mấy dễ chịu này - khi tiêm mũi bổ sung hay mũi nhắc lại.

"Hôm nay mình đi tiêm Vaccine"

By Đoàn Nguyễn Khánh Thư
Một con bé 3-mét-bẻ-đôi đến từ Viện Khoa học Sức khỏe - tin rằng khoa học có thể chỉ là những câu chuyện bên ly cà phê sáng. Đối với Thư, đọc, nghĩ, và viết về điều gì đó nằm ngoài vùng an toàn là một thử thách, nhưng cũng là một cách giải trí tuyệt vời.


9 giờ sáng Chủ Nhật, mình ngủ dậy trong tiếng báo thức khác thường: “Lát 10 giờ rưỡi đến điểm tiêm vaccine nhé!” Lúc ấy mình chỉ kịp nghĩ: may quá hôm qua ngủ đủ giấc - sau đó tự thưởng cho bản thân một tô mì hai trứng chần. Đó là lần đầu tiên mình đi tiêm vaccine COVID-19, khi đó phường mình là một trong những “vùng đỏ” của Sài Gòn.

Tuy đã đăng ký từ trước, nhưng khi nhận được thông báo mình cũng khá bất ngờ. Mình tự nhủ chỉ cần ăn ngon, ngủ kỹ và chuẩn bị tâm lý thật thoải mái, nhưng hóa ra mình đã lầm to! Vậy nên, hỡi những người bạn chưa tiêm đủ vaccine, hãy bỏ túi vài tips nho nhỏ, như một liều “vitamin tinh thần” để chuẩn bị cho các “tình huống phụ” sắp tới nhé!

10:40 - Nắng mưa là bệnh của giời

Điểm tiêm chủng phường mình là một trường tiểu học có khuôn viên rộng rãi để đảm bảo giãn cách. Khi mình đến nơi, thì trường đã rất nắng và rất đông rồi, khoảng 10 phút sau là đóng cổng không tiếp nhận nữa. Đi tiêm lúc bức xạ cao nhất ngày, dở hơi thế nào mình vừa mặc áo đen vừa đề đầu trần, đổ mồ hôi ròng ròng.

Lần thứ hai đi tiêm, mình rút kinh nghiệm, mặc hoodie có mũ trùm hẳn hoi! Nhưng ông giời không thương mình, nắng đấy mà đổ mưa ngay, mình đành sấy tóc nguyên buổi chiều...

Tip #1: Nắng thì dễ say, mưa thì dễ cảm... Dù vội vã đến đâu, đừng quên bảo vệ chính mình bằng mũ và ô trước những cơn mưa nắng bất ngờ, vì có thể bạn phải chờ ngoài trời rất lâu đó!

11:20 - “Về loại nào tiêm ngay loại đấy"

“Hôm nay tiêm Astra nhé bà con.” Anh tình nguyện viên mặc bảo hộ kín mít, dõng dạc thông báo. Đây đó có tiếng xì xào, anh lại tiếp tục hô to. “Có sao thì bọn em tiêm vậy, về loại nào tiêm ngay loại đấy, càng sớm càng tốt.”

Thật ra trước cổng trường đã dán thông báo loại vaccine, nhưng lúc vào xếp hàng, mình sợ muộn nên quên để ý. Không thể kén chọn, nhưng biết được loại vaccine sẽ tiêm vẫn khiến mình an tâm hơn.

Tip #2: Thông báo về loại vaccine thường có trên giấy đăng ký tiêm chủng địa phương, tin nhắn/email thông báo ngày tiêm, hoặc được dán tại điểm tiêm chủng. Các loại vaccine có phản ứng phụ đặc trưng, bạn nên biết mình sắp tiêm loại nào để tra cứu, tham khảo mọi người và chuẩn bị trước cho phù hợp.

11:40 - “Em ơi cho chị mượn cây bút...”

Trong lúc xếp hàng, mỗi người phải điền thông tin trên phiếu sàng lọc, sau đó ký tên đồng ý tiêm chủng. Không có bàn, mình đang loay hoay gấp tờ giấy lại để viết cho dễ, thì chị gái phía sau gọi với lên:

“Em ơi cho chị mượn cây bút…”

Mượn bút thì không sao, vấn đề là, chị ấy vừa viết vừa ho khù khụ.

“...”

Mình đành nói. “Chị cứ giữ luôn đi ạ.”

Tip #3: Điền phiếu sàng lọc là một thủ tục bắt buộc; dù bạn đã điền online hay chưa, hãy luôn chuẩn bị sẵn một cây bút đầy mực khi đến điểm tiêm nhé! Thời buổi dịch bệnh ai cũng tránh tiếp xúc, đi mượn thì bên nào cũng ngại...

12:00 - “Ông ngồi nghỉ một lát nhé!”

Người khám sàng lọc phía trước mình là một cặp vợ chồng già, có vẻ bồn chồn lắm. Huyết áp của cụ ông tăng cao, y tá đành trấn an: “Ông ngồi nghỉ một lát nhé.” Cụ bà cũng đi theo cho an tâm, hai người ngồi ở khu vực chờ thêm khoảng hai mươi phút để bình ổn lại.

Sau đó ít lâu, ông bà mình tiêm vaccine ở bệnh viện cũng phải ngồi nghỉ vì huyết áp tự nhiên tăng cao, trong khi bình thường không có vấn đề gì. Một thời gian nữa, Bộ Y tế chính thức hủy bỏ việc đo huyết áp tất cả người vào tiêm, chỉ kiểm tra cho người cao tuổi và người có bệnh lý nền. Nguyên nhân là nhiều người lo lắng, stress quá độ dẫn đến rất nhiều trường hợp tăng huyết áp khi vào tiêm, gây ùn ứ trong quá trình sàng lọc.

Tip #4: Chúng mình còn trẻ, sức khỏe tốt hơn, nhưng nhịp sống không cân bằng cũng dễ ảnh hưởng đến tim mạch và huyết áp. Do đó, để tự kiểm soát, hãy hạn chế thức khuya, tập thể dục đều đặn và tránh lạm dụng đồ uống có chứa caffeine (trà, cà phê) bạn nhé!

12:15 - “Em muốn tiêm tay nào?”

Từ bé, mình chưa từng nhăn nhó khi đi lấy máu, truyền nước biển hay chích ngừa. Nhưng xem ti vi thấy người ta quay cận cảnh nguyên một cây kim dài, mình vẫn hơi hãi, nên lúc được gọi vào tiêm mình cũng hồi hộp lắm.

Vì nghĩ ngợi linh tinh, nên mình suýt nữa đã ngồi nhầm bên và tiêm vào tay phải. May là chị y tá kịp hỏi: “Em muốn tiêm tay nào?” Mình mới hoàn hồn và đổi sang tay trái, không là về nhà khỏi viết báo mất rồi.

Nhưng cây kim không đáng sợ như mình nghĩ, vì quá trình tiêm nhanh không tưởng! Nếu có ai xem ti vi mà thấy sợ như mình, thì họ cố tình quay chậm để ghi hình thôi, còn đi tiêm thật thì chưa kịp phản ứng đã hết đau rồi.

Tip #5: Không phải lúc nào các cán bộ y tế cũng hỏi mình muốn tiêm tay nào, nên các bạn nhớ ngồi sao để đừng tiêm vào tay thuận. Cơn nhức ở chỗ tiêm thường kéo dài đến vài ngày, bạn sẽ không muốn điều đó ảnh hưởng tốc độ “chạy deadline” đâu! Ngoài ra, nếu bạn sợ kim tiêm, hãy hít thở sâu và nhìn sang hướng khác - chỉ hai giây là xong thôi!

12:20 - “Mang sữa ấm hoặc trà gừng qua đây!”

Mình ngồi theo dõi sau tiêm, chợt nghe có tiếng hô lớn, rồi anh điều dưỡng đang ký giấy chứng nhận cho mình hớt hải chạy ra ngoài. Vài giây sau, ba người mặc đồ bảo hộ cùng đỡ một chị đã ngất xỉu vào phòng nghỉ, theo sau là cán bộ y tế phường sốt sắng gọi điện thoại: “Mang sữa ấm hoặc trà gừng qua đây!'

Chị ấy được vào giường nằm, hai người giúp chị kê cao chân, một người mang bình oxy đến. Sau khi thở oxy khoảng năm phút, chị dần dần tỉnh lại. Chị được uống trà gừng ấm pha đường rồi nằm nghỉ một lát. Theo như lời bác sĩ kể, thì khả năng chị bị hạ đường huyết do chưa ăn sáng trước khi tiêm. Một phen hú hồn!

Tip #6: Ăn đủ bữa, uống đủ nước là vô cùng quan trọng cho ngày tiêm, bạn nhé!

21:00 - 39,4 độ C

Bạn bè mình thì sợ tác dụng phụ, mình lại ngược hoàn toàn. Dù chuẩn bị sẵn cháo, nước cam và thuốc hạ sốt ở nhà nhưng mình vẫn nhơn nhơn chạy deadline tới tối. Cho đến 9 giờ, mình thấy hơi mệt mới đi đo nhiệt độ, và thấy con số 39.4°C!

Lúc mình đi tiêm, bác sĩ dặn sốt trên 38 độ rưỡi cần uống thuốc, vậy nên mình lập tức pha một viên sủi Panadol. Đêm đó, mình bị phản ứng phụ hành tơi tả, lúc nóng lúc lạnh, chân tay thì rã rời, trằn trọc mãi mới ngủ nổi. Sáng hôm sau mình không dám chủ quan nữa, nghỉ họp nghỉ deadline, đến trưa thì các triệu chứng biến mất và không quay trở lại.

Lạ thay, nhà mình ai cũng tiêm Astra, toàn là người lớn tuổi, nhưng không ai phát sốt cả, sau đó con số 39,4°C của mình bị cô dì chú bác trêu chọc cả một tuần…

Tổng hợp một số phản ứng phụ thường gặp (theo CDC)

Trên cánh tay sau tiêm

Trên toàn bộ cơ thể

Đau nhức

Sốt

Đau đầu

Ửng đỏ

Ớn lạnh

Đau cơ

Sưng tấy

Mệt mỏi

Buồn nôn

Tip #7: Phản ứng phụ không rủ cũng đến. Theo khảo sát online của mình với hai khóa VinUni, hơn 50% các bạn sinh viên gặp triệu chứng mệt mỏi và đau nhức cơ. Hãy sắp xếp thời gian nghỉ ngơi khoảng 48h sau tiêm, chuẩn bị các món đủ chất và thuốc hạ sốt thường dùng, bạn nhé!

Bây giờ - Chúng ta cùng vượt qua

Có quá nhiều điều vụn vặt để nhớ khi đi tiêm vaccine, phải không? Dường như đây là trải nghiệm của riêng mình, nhưng cũng là, hoặc sẽ là trải nghiệm của mọi người.

Vậy nên, mình đã góp nhặt kinh nghiệm và lời khuyên khác nhau từ các bạn sinh viên VinUni cả hai khóa, cũng như một số sinh viên trường khác nữa, mong rằng sẽ có ích cho bạn:

#N.B.H, CHS: "Khi mình tiêm mũi đầu tiên, mình quá sợ kim tiêm nên lần nào y tá đến đo thì nhịp tim của mình cũng nhảy vọt. Mình phải nằm nghỉ 15 phút để dần dần bình tĩnh lại. Khi nhịp tim ổn định rồi, mình vào phòng tiêm và thú thật là, nó không tệ như mình tưởng. Chưa gì đã xong hết rồi. Nếu bạn sợ kim tiêm, hãy trò chuyện với bác sĩ để xao nhãng đôi chút. Rồi nó sẽ qua nhanh hơn bạn kịp nhận ra. Đừng nhìn sang khi họ đang tiêm!!! Nếu bạn bị lạnh sau tiêm, hãy đắp chăn mỏng - nhưng đừng ủ mình quá mức, vì như thế sẽ lâu khỏi hơn. Theo trải nghiệm của mình, sau một hai ngày mọi thứ sẽ ổn cả."


#Mèo méo meo mèo meo mèo, CECS: "Một khó khăn mà mình gặp phải là huyết áp mình hơi cao (do mình béo) nên mỗi khi các bác sĩ đo huyết áp trước/sau khi tiêm đều phải đo 2-3 lần. Với cả nếu mà căng thẳng (hay háo hức) quá thì cũng sẽ ảnh hưởng tới huyết áp, nên trước khi đo mình thường hít thở vài lần để thấy ok lại.


#Vo, CBM: "Hãy kiên nhẫn vì ai cũng muốn được tiêm cả. Đừng áp lực nhân viên y tế vì họ đã quá vất vả rồi. Nghỉ ngơi thật tốt, và không quên cảm ơn mẹ yêu đã chăm sóc cho mình!" 


#Lâm Duy, CBM: "Mang theo sách để đọc, không phí thời giờ đứng chờ không."


#Yuna, CBM: "Uống nhiều nước, và xoay cánh tay nữa. Việc này sẽ giúp giảm cơn đau nhức ở bắp tay của bạn."


#Một bạn giấu tên: "Hãy đọc hướng dẫn của Bộ Y tế, và làm theo chỉ thị của nhân viên y tế. Đọc trước các phản ứng phụ để chuẩn bị cho tốt nhất."


#P.T.H.B, Hong Kong University of Science and Technology: Không phải tuyên truyền viên nhưng cũng khuyên mọi người có gì tiêm nấy, không nên chọn lựa khi hoàn cảnh chưa cho phép. Tìm hiểu và cẩn thận tin giả. Giữ sức khoẻ tốt, tinh thần thoải mái là ok."


#Huy, Đại học Y Hà Nội: "Vaccine tốt nhất là vaccine được tiêm sớm nhất."

Sau này - Còn bạn?

Với biến chủng Delta, đối tượng nhiễm COVID-19 đang trẻ hóa từng giờ từng khắc, và đối tượng tiêm vaccine cũng vậy. Đó có thể là những người bạn, người em của chúng mình hôm nay. Thậm chí, trong tương lai không xa, chúng mình sẽ phải lặp lại trải nghiệm không mấy dễ chịu này - khi tiêm mũi bổ sung hay mũi nhắc lại.

Vậy nên, dù là chia sẻ kinh nghiệm, hay hồi tưởng trải nghiệm, chúng mình vẫn sẽ cùng nhau bước tiếp từ đây.

Hôm nay mình đi tiêm vaccine, còn bạn thì sao?