Music as a Mirror: The Series - Âm nhạc phản chiếu như thế nào? (3)

Âm nhạc là một phương thức truyền tải thông điệp hiệu quả và sâu sắc, và có lẽ trong thời gian nào thì âm nhạc cũng đều có khả năng chữa lành.

Music as a Mirror: The Series - Âm nhạc phản chiếu như thế nào? (3)
Photo by Jair Medina Nossa on Unsplash

Đây là phần 3 của một series bài viết ba phần. Đón xem các phần trước đó tại:

Phần 1: Tạo hình âm nhạc ư? Tại sao không?

Phần 2: Tại sao giai điệu cứ mãi ở trong đầu ta nhỉ?


Phần 3: Hãy để âm nhạc chữa lành và xoa dịu tâm hồn bạn!

Âm nhạc là một phương thức truyền tải thông điệp hiệu quả và sâu sắc, và có lẽ trong thời gian nào thì âm nhạc cũng đều có khả năng chữa lành. Beethoven đã từng nói: “ Âm nhạc là nhà hòa giải giữa cuộc sống thể xác và cuộc sống tâm linh”. Trong dòng chảy lịch sử, vào thời Ai Cập và Babylon cổ đại, âm nhạc được sử dụng phổ biến để động viên con người và gắn kết xã hội giữa những dịch bệnh nguy hiểm. Những bài thánh ca nhằm xoa dịu, khích lệ người dân khi dịch hạch hoành hành ở thành Sparta (Hy Lạp) đã được phổ biến ngay từ thế kỷ thứ VII trước Công nguyên (Giang & Phan, 2022).

Thuật ngữ “âm nhạc chữa lành” càng được phổ biến hơn trong thế giới hiện đại, khi khoa học công nghệ phát triển cùng phương pháp trị liệu bằng âm nhạc được sử dụng và nghiên cứu rộng rãi hơn. Trong thế giới mà con người ngày càng chú tâm tới việc nâng cao sức khỏe tinh thần, âm nhạc đóng vai trò không thể thay thế. Âm nhạc giúp giải tỏa căng thẳng mệt mỏi, hỗ trợ trị liệu trầm cảm, chuyển hóa năng lượng tiêu cực thành động lực thay đổi, thậm chí trở thành nguồn cảm hứng đưa con người thoát khỏi những quãng thời gian tăm tối của cuộc đời. Những năm gần đây, khi cả thế giới đối mặt với đại dịch Covid-19 khó khăn, những “buổi hòa nhạc ban công” ngày càng được lan tỏa ở Italy và Tây Ban Nha. Khi thành phố trải qua cách ly xã hội hoặc phong tỏa, ban công của những tòa nhà đã trở thành sân khấu, cùng hòa âm nên những giai điệu đầy tích cực, là một “liều thuốc tâm hồn” đích thực trong thời kỳ dịch bệnh.

https://youtu.be/DDRiINXik00

Những người nghệ sĩ hiện đại đã trực tiếp bày tỏ thông điệp của mình qua cách trình diễn cùng lời bài hát; rồi khi thính giả lắng nghe và cảm nhận âm nhạc, quá trình đồng điệu sẽ diễn ra. Người nghe từ đó hiểu thấu và yêu thích bản nhạc, đón nhận sự tích cực từ không chỉ người nghệ sĩ mà còn cộng đồng yêu nhạc, tạo cho mình cảm giác có một nơi để thuộc về. Mình biết nhiều bạn dùng âm nhạc để bộc lộ tâm trạng của mình với thế giới. Ví như đăng tải những bản nhạc yêu thích gần đây, hay điệu nhạc mô tả đúng cảm xúc của mình lúc đó lên story Instagram. Việc đăng tải ấy như một phần chia sẻ gánh nặng lòng mình với những người bạn và nhận được sự quan tâm đồng cảm từ mọi người. Hay như việc đi tới buổi hòa nhạc của ca sĩ mình hâm mộ, đứng giữa biển người có cùng đam mê, cùng gu âm nhạc và cùng đồng điệu cảm xúc khi ca sĩ hát lên giai điệu quen thuộc. Hẳn bạn sẽ cảm thấy xúc động vô cùng và nhận ra rằng âm nhạc đã mang tới cho chúng ta những xúc cảm kì diệu đến nhường nào!

Chỉ bằng nghe nhạc, ta đã được xoa dịu và chữa lành như thế. Còn đối với những người chơi nhạc cụ - bản thân họ là người tạo nên âm nhạc thì sao? Họ có tự xoa dịu mình qua âm nhạc của họ không? Đương nhiên là vậy. Cùng một bản nhạc, cùng một giai điệu, nhưng những lần tập luyện hay trình diễn của họ sẽ không bao giờ giống nhau hoàn toàn. Tùy vào tâm trạng lúc chơi nhạc cụ, âm nhạc mà người nghệ sĩ tạo ra sẽ như một sự bộc lộ mãnh liệt cảm xúc của họ với thế giới. Dù là khi tập luyện không một người nghe, hay khi có cả nghìn khán giả dưới sân khấu, mỗi lần chơi nhạc là một lần họ sẻ chia cảm xúc và tự chữa lành chính mình.

Còn với bạn thì sao? Bạn đã bao giờ giải phóng cảm xúc của bản thân qua âm nhạc và nhờ âm nhạc chưa? Hãy hòa mình vào thế giới ấy, mở cách cửa và cho phép tâm hồn mình tự do bước ra thế giới bên ngoài; để rồi được thấu hiểu và cảm thông, đồng thời cho phép bản thân trải nghiệm thế giới một cách trọn vẹn nhất.


Nguồn tham khảo

Giang Hoàng Lam & Phan Châu Giang (2022). Âm nhạc và cơ chế chữa lành tâm hồn. https://zingnews.vn/am-nhac-va-co-che-chua-lanh-tam-hon-post1307978.html

Nhuyễn Vân (2018). Những tinh túy của âm nhạc truyền thống Trung Hoa qua cái nhìn của thơ ca đương thời. https://www.dkn.tv/van-hoa/nghe-thuat/nhung-tinh-tuy-cua-am-nhac-truyen-thong-trung-hoa-qua-cai-nhin-cua-tho-ca-duong-thoi.html

Oliver Sacks (2007). Musicophilia - Những kẻ cuồng nhạc. https://spiderum.com/bai-dang/Am-nhac-trong-tam-tri-Hinh-anh-va-Tri-tuong-tuong-ru4

Thân Văn (1996). Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật - Số tháng 11. Hình tượng nghệ thuật trong tác phẩm âm nhạc. https://sites.google.com/site/thanvantrongbinh/tac-pham/bao/hinh-tuong-nghe-thuat-trong-tac-pham-am-nhac


Tác giả: Ngọc Mai (Daisy) - sinh viên Viện Quản trị Kinh doanh trường Đại học VinUni - đã trót yêu tất cả những gì thuộc về nghệ thuật; từ âm nhạc, văn chương, hội họa cho tới sân khấu điện ảnh… và luôn mong muốn chia sẻ đam mê đó tới mọi người.