Music as a Mirror: The Series - Âm nhạc phản chiếu như thế nào? (2)

Bạn có bao giờ thắc mắc rằng tại sao khi ta nghe một bản nhạc liên tục, giai điệu bản nhạc ấy vẫn còn vang mãi ngay cả khi ta đã tắt nhạc, hoặc bất chợt hiện lên một lúc nào đó mà ta chẳng hề hay biết không?

Music as a Mirror: The Series - Âm nhạc phản chiếu như thế nào? (2)
Photo by Fath on Unsplash

Đây là phần thứ 2 của một series bài viết ba phần. Đón xem phần trước đó tại:

Phần 1: Tạo hình âm nhạc ư? Tại sao không?


Phần 2: Tại sao giai điệu cứ ở mãi trong đầu ta nhỉ?

Bạn có bao giờ thắc mắc rằng tại sao khi ta nghe một bản nhạc liên tục, giai điệu bản nhạc ấy vẫn còn vang mãi ngay cả khi ta đã tắt nhạc, hoặc bất chợt hiện lên một lúc nào đó mà ta chẳng hề hay biết không?

Hiện tượng đó được gọi là tưởng tượng âm nhạc thụ động. Các thanh âm hầu như đều không thể kiểm soát, mà chỉ cất lên từ trong vô thức. Đôi khi nó hiện hữu một lúc lâu; khi khác lại chỉ lặng lẽ hiện lên một chốc mà chính chúng ta cũng chẳng hề để ý. Dù việc này có thể không dễ xảy ra với những người ít nhạy cảm với âm nhạc, nhưng gần như ai ai cũng có hình dung riêng về âm nhạc một cách thụ động trong đầu mình. Điều này thường phụ thuộc vào sự tiếp xúc dai dẳng lặp đi lặp lại với một trích đoạn âm nhạc cụ thể. Tất nhiên, khi không nghe nhạc, những giai điệu ấy, bằng cách nào đó, được chơi lại trong đầu mà không tài nào dứt ra được.

Trong hoàn cảnh cụ thể chẳng hạn, mình phát hiện nhiều người có thói quen yêu thích một ca sĩ, nhạc sĩ hay nghệ sĩ nào đó và thường xuyên nghe nhạc của họ liên tục trong một khoảng thời gian nhất định. Thậm chí, họ chỉ nghe duy nhất nhạc của một nghệ sĩ/một bài hát trong thời gian đó cho đến khi có bài hát khác/người khác thay thế. Mình cũng đã từng nghe đi nghe lại nhạc cổ điển trong vài tháng, rồi lại chuyển sang nhạc V-pop hiện đại đầy sôi động trong thời gian tiếp, sau đó lại ưa những bản nhạc ballad buồn nhẹ nhàng. Tất cả những thể loại này đều khác nhau trừ việc chúng thỏa mãn nhu cầu nghe nhạc của mình trong từng thời kỳ; và bộ não của mình đều bị “ám ảnh” bởi chúng. Việc chúng ta liên tục kích thích bộ não với cùng tần số âm thanh và giai điệu sẽ khiến bộ não dường như sẵn sàng chơi lại âm nhạc nó nghe thấy mà không cần tới bất kỳ kích thích rõ rệt nào từ bên ngoài (Sacks, 2007); đây chính là lý giải cho những vấn đề mình vừa nêu ra phía trên.

"Việc chúng ta liên tục kích thích bộ não với cùng tần số âm thanh và giai điệu sẽ khiến bộ não dường như sẵn sàng chơi lại âm nhạc nó nghe thấy mà không cần tới bất kỳ kích thích rõ rệt nào từ bên ngoài." (Nguồn ảnh: Jackson Simmer trên Unsplash)

Việc những giai điệu cứ chạy đi chạy lại không kiểm soát trong đầu ta có phải một điều xấu không? Mình thì cho rằng mỗi người sẽ có suy nghĩ khác nhau tùy vào trải nghiệm cá nhân. Có lẽ thỉnh thoảng chúng gây phiền cho ta, ví dụ như khi ta cần tập trung làm việc hay tham gia các kỳ thi quan trọng chẳng hạn. Nhưng chúng cũng có thể có ích mỗi khi ta ở một mình; âm nhạc lúc này lại đóng vai trò như người bạn đồng hành, chia sẻ cùng ta mỗi lúc cô đơn. Bạn nghĩ sao? Hãy chia sẻ cho chúng mình biết nhé!

Đón xem kì 3: Hãy để âm nhạc chữa lành và xoa dịu tâm hồn bạn!


Tác giả: Ngọc Mai (Daisy) - sinh viên Viện Quản trị Kinh doanh trường Đại học VinUni - đã trót yêu tất cả những gì thuộc về nghệ thuật; từ âm nhạc, văn chương, hội họa cho tới sân khấu điện ảnh… và luôn mong muốn chia sẻ đam mê đó tới mọi người.