Thế giới ảo - Đằng sau những chiếc mặt nạ

Các nền tảng xã hội đã và đang len lỏi vào cuộc sống của bất kì ai trong chúng ta. Vì vậy, một người dùng có trách nhiệm và văn minh hiện nay cần phải trang bị cho bản thân kiến thức để sàng lọc thông tin cũng như là ý thức cư xử đúng đắn nhằm không tạo ra sự độc hại trên mạng xã hội.

Thế giới ảo - Đằng sau những chiếc mặt nạ
“Việt Nam nằm trong top 5 nước kém văn minh nhất trên mạng xã hội.”

Đó chính là kết luận của Microsoft khi tiến hành một cuộc khảo sát về văn minh không gian mạng vào năm 2020. Điều này chắc chắn đã tạo ra hình ảnh không tốt đối với cộng đồng mạng Việt Nam. Tuy nhiên, chúng ta cần phải chấp nhận sự thật rằng sự kém văn minh của mạng xã hội Việt Nam không phải là vấn đề mới nổi và nó đang trở nên đáng báo động trong khoảng vài năm trở lại đây. Vậy đâu là lí do của sự “toxic” (độc hại, kém văn minh) trên mạng xã hội, hậu quả của nó là gì, và làm thế nào để chúng ta có thể khắc phục được điều đó? Bài viết này sẽ làm rõ thực trạng của mạng xã hội Việt Nam, nguyên nhân và hậu quả của vấn đề này, cũng như làm thế nào để trở thành người dùng văn minh.

Social Media Depression - Nguồn: lipstiq.com

I. Thực trạng của mạng xã hội Việt Nam

Các nền tảng ảo như Facebook, Instagram, hay Tiktok đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta khi chúng phục vụ như một công cụ kết nối bạn bè, trao đổi công việc, và giải trí. “Vụ sập toàn cầu” của Facebook vào tối ngày 04/10/2021 đã phản ánh rất rõ ràng con người đang bị phụ thuộc vào các nền tảng mạng xã hội như thế nào. Chỉ trong vòng 9 tiếng thiếu Facebook và các nền tảng liên quan như Messenger, Whatsapp, hàng triệu người dùng trên toàn thế giới đã tỏ ra vô cùng bức bối và khó chịu. Cùng với sự phổ biến của mạng xã hội, không khó để chúng ta bắt gặp được những điều tiêu cực, độc hại trên mạng xã hội. Đằng sau lớp mặt nạ “ảo”, con người ta không ngần ngại để lời những lời nói phân biệt chủng tộc, phân biệt giới tính, kì thị ngoại hình, nguyền rủa, chỉ trích, hay thậm chí là những thứ ghê tởm như quấy rối tình dục. Dựa theo kết quả thống kê của Microsoft, người dùng Việt thường có hành vi không đúng mực ở các chủ đề sau: các mối quan hệ tình cảm (48%), giới tính (48%), ngoại hình (35%), chủng tộc (23%) và quan điểm chính trị (23%). Trong số đó, hành vi gây tổn thương nhất là kỳ thị phụ nữ (86%).

Social Media Depression - Nguồn: Artilmagazine

Tháng 10 năm 2021, Tiktok Việt Nam đã nổ ra trào lưu miệt thị, so sánh một nam ca sĩ người Hàn Quốc với một cầu thủ bóng đá nổi tiếng về sự nam tính. Những đoạn clip với tiêu đề như là “Sự khác biệt giữa bóng đá và bóng lộ” hay “Cách phân biệt bóng đá và “bóng” đá” xuất hiện dày đặc trên mạng xã hội. Khoan nói về quan điểm cá nhân của nhóm người này, đây rõ ràng là hành động phân biệt giới tính. Đã có một số quan điểm mang tính khách quan được nêu ra để phản bác lại sự phân biệt này, tuy nhiên, những lời phản biện trên đã bị nhóm người này phản đối và thậm chí công kích ngược lại.

Tháng 06 năm 2018, mạng xã hội liên tục lan truyền với tốc độ chóng mặt đoạn video nhạy cảm của một nữ sinh Nghệ An. Do không chịu được áp lực từ dư luận, nữ sinh này đã quyết định tự vẫn. Điều đáng chú ý ở đây là trong phần bình luận của các bài báo này, không khó để chúng ta tìm thấy hàng loạt các bình luận “xin link”, thay vì kêu gọi mọi người bảo vệ cô gái ấy. Hậu quả là những đoạn video này được lan truyền với tốc độ nhanh chóng mặt, cùng với đó là sự bất lực của nạn nhân.

Bên cạnh những ví dụ điển hình như trên, người dùng mạng xã hội nước ta còn có xu hướng tấn công người khác. Đằng sau lớp mặt nạ ảo, người ta thoải mái công kích, nguyền rủa, chỉ trích một ai đó khi hành động của người đó không vừa ý họ, hoặc chỉ đơn giản là họ chỉ đang “xuôi theo chiều dư luận” mặc dù họ chưa biết thực hư của câu chuyện đó như thế nào.

II. Nguyên nhân của thực trạng trên

Có rất nhiều lí do dẫn đến những hành vì không đúng đắn và thiếu văn minh trên mạng xã hội thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, tuy nhiên, có một số nguyên nhân chính sau đây:

1. Người dùng Việt Nam chưa thực sự có ý thức

Thế giới ảo đã tạo ra một lớp vỏ bọc quá hoàn hảo cho bất kì ai, khi mà đằng sau màn hình điện thoại hay máy tính, vô số những lời nói hay hành động tồi tệ nhất đều có thể được thực hiện mà không có chút do dự. Có thể nói, sự ẩn danh của thế giới ảo cho phép người ta có ít trách nhiệm hơn đối với hành động của bản thân. Các hành động ẩn danh này dao động từ những bình luận tục tĩu, công kích cho đến những hành vi kinh khủng như quấy rối tình dục. Bên cạnh sự thiếu trách nhiệm về lời nói, bộ phận những người “toxic” trên mạng xã hội cũng không ý thức được mức độ nghiêm trọng  mà lời nói hay hành động mà mình có thể gây ra cho người khác. Họ chỉ đơn giản cho rằng đó chỉ là một lời bình luận “vu vơ” hay một câu đùa “hài hước” mà thôi. Từ đó, hiện tượng toxic càng trở nên trầm trọng hơn.

Social media users behind the masks - Nguồn: Nathan Marchand

2. Sự tràn lan thông tin “rác” trên mạng xã hội

Bên cạnh lí do chủ quan là sự thiếu ý thức và trách nhiệm đối với hành vi của mình trên mạng xã hội, vẫn còn tồn tại một lí do chủ quan nữa dẫn đến hiện tượng “toxic” trên mạng xã hội. Thế giới ảo là nơi mà con người ta có thể tự do đăng tải bất kì thông tin gì mà không cần qua những bước xác minh nghiêm ngặt nào, hậu quả là số lượng thông tin giả, không chính thống xuất hiện tràn lan. Các thông tin giả này dễ dàng “dắt mũi” những người có khả năng chắt lọc thông tin kém, tạo ra sự hoang mang trong dư luận. Trong quá khứ, đã từng có trường hợp cộng đồng mạng đồng loạt tấn công, đả kích một cá nhân vì một thông tin không đúng sự thật về cá nhân đó. Mặc dù sau đó nạn nhân đã được minh oan, nhưng hậu quả tâm lí để lại cho nạn nhân là vô cùng nặng nề

III. Là một người dùng mạng xã hội, chúng ta có thể làm gì để hạn chế sự “toxic” trên mạng xã hội?

1. Có ý thức và trách nhiệm đối với hành động của bản thân trên mạng xã hội

Là một người dùng mạng xã hội, mỗi ai trong chúng ta cũng cần phải có ý thức và trách nhiệm đối với lời nói và hành vi của bản thân. Để trở thành người dùng văn minh, trước khi thực hiện bất kì thao tác nào trên mạng xã hội, chúng ta cần xác định rõ với bản thân những vấn đề sau:

  • Đối tượng mình muốn hướng đến là ai?
  • Phát ngôn của mình sẽ gây ảnh hưởng gì đến đối tượng đó?
  • Bản thân mình sẽ cảm thấy như thế nào nếu nghe phải câu nói này?
  • Liệu sẽ có trẻ em hay thanh thiếu niên nào bị ảnh hưởng tiêu cực từ những hành động của mình không?

Bằng cách suy nghĩ về những câu hỏi này, chúng ta sẽ có thêm thời gian suy nghĩ về hành động và hạn chế được nhiều nhất sự tổn thương cũng như sự tiêu cực mà mình có thể gây ra cho người khác. Như vậy, chúng ta sẽ có thể cùng nhau tạo nên một môi trường mạng xã hội văn minh và lành mạnh.

2. Trang bị cho bản thân khả năng nhận định và sàng lọc thông tin

Với lượng thông tin giả, điều hướng dư luận xuất hiện tràn lan mỗi ngày trên mạng xã hội, người dùng cần trang bị cho mình khả năng nhận định, sàng lọc, cũng như là xác nhận tính chính xác của thông tin mà mình đang đọc hay nghe được trước khi lan truyền hay phản đối vấn đề đó. Từ đây, chúng ta sẽ có thể hạn chế hết mức sự tiêu cực không đáng có, góp phần đóng góp vào văn hóa mạng lành mạnh, văn minh.

Social Media - Nguồn: Kraus Group Marketing

IV. Kết luận

Các nền tảng xã hội đã và đang len lỏi vào cuộc sống của bất kì ai trong chúng ta, không những phục vụ như công cụ giải trí mà còn là phương tiện liên lạc và kết nối trong công việc. Như vậy, tầm quan trọng của các hành vi trên mạng xã hội không thể bị đánh giá thấp. Một người dùng có trách nhiệm và văn minh hiện nay cần phải trang bị cho bản thân kiến thức để sàng lọc thông tin cũng như là ý thức cư xử đúng đắn nhằm không tạo ra sự độc hại trên mạng xã hội. Hi vọng các độc giả sau khi đọc bài viết này sẽ có góc nhìn sâu sắc hơn về hành vi trên không gian mạng, từ đó góp phần xây dựng cộng đồng mạng Việt Nam văn minh, lành mạnh hơn.


Tác giả: Đặng Hữu Thiện