Music As a Mirror: The Series - Âm nhạc phản chiếu như thế nào? (1)

Trí tưởng tượng của con người là vô hạn, và qua việc lắng nghe một bản nhạc, ta có thể hình dung ra bất cứ điều gì. [...] Hãy nhắm mắt lại, thực sự đắm chìm vào âm nhạc, thử cảm nhận và tưởng tượng; mình tin rằng bạn sẽ có một trải nghiệm hoàn toàn mới lạ và khác biệt đấy!

Music As a Mirror: The Series - Âm nhạc phản chiếu như thế nào? (1)
Photo by Ludomił Sawicki on Unsplash

“Mình là một người chơi nhạc, đã gắn bó với chiếc đàn piano được 13 năm. Piano và âm nhạc đã nhiều lần đóng vai trò là một người bạn động viên khích lệ mình qua những thời điểm khó khăn trong cuộc sống. Chính vì vậy, mình muốn chia sẻ với mọi người cách hiểu âm nhạc hơn, để âm nhạc hiểu chúng ta hơn, cũng như cảm nhận vẻ đẹp của âm nhạc một cách tinh tế hơn qua series này. “


Phần 1: Tạo hình âm nhạc ư? Tại sao không?

Thật kì diệu khi âm nhạc hoàn toàn có thể viết nên câu chuyện hay vẽ nên không gian và thời gian. Trong suốt tiến trình phát triển của âm nhạc, từ nhạc không lời, con người dần sáng tác nhạc có lời bài hát. Và khởi đầu là kết hợp các tác phẩm văn chương với các nhạc cụ khác nhau.

Từ xa xưa, trong những triều đại cổ Trung Hoa, các loại hình nghệ thuật thường được phối hợp để cùng tôn lên giá trị của từng môn nghệ thuật riêng lẻ, cũng như tạo hiệu ứng nghệ thuật tổng hợp cho người thưởng thức (Vân, 2018). Vì thế, nhiều bài thơ cổ đã được chuyển thành lời ca hòa tấu với nhạc cụ dân tộc, góp phần tạo nên đặc sắc riêng trong văn hóa của quốc gia này. Bài thơ nổi tiếng “Tỳ bà hành” của Bạch Cư Dị đã miêu tả đặc sắc âm thanh của đàn tỳ bà, lại có thể được giai điệu hóa và hòa tấu cùng tiếng hát bằng chính cây đàn tỳ bà ấy. Thế nên, người nghe ko chỉ cảm thụ được ý nghĩa của văn chương mà còn được hoà mình vào âm thanh của bài thơ đó. Còn tại Việt Nam bấy giờ, nhiều tác phẩm văn học dân gian đã được phổ nhạc; ví dụ tiêu biểu là bài hát “Cày đồng đang buổi ban trưa” được lấy nguyên mẫu từ một bài ca dao quen thuộc.

https://youtu.be/7I9hndHo-Zo

Lời nhạc thời ấy thường cô đọng, mỹ miều, nhiều tầng nghĩa, không trực tiếp bộc lộ cảm xúc con người, mà thường mượn những hình ảnh biểu tượng để gián tiếp bày tỏ những tâm tư, suy nghĩ thầm kín.

Ngược lại, trong văn học Việt Nam hiện đại, rất nhiều bài thơ tiêu biểu cũng đã được giai điệu hóa, tạo nên ảnh hưởng nhất định trong từng thời kỳ. “Tây tiến” - Quang Dũng là một bài thơ quen thuộc với đa số mọi người, được viết trong kháng chiến chống Pháp. Bài thơ là một hồi tưởng sống động về hình tượng những người lính mang vẻ đẹp hào hùng, hào hoa, bi tráng giữa núi rừng Tây Bắc hoang sơ kỳ vĩ. Việc phổ nhạc không chỉ tái hiện chân thực cuộc chiến và ý nghĩa bài thơ đem lại, mà còn tạo nên chất gì đó rất riêng, như là tâm hồn, là tinh thần toàn quân mà dù trong quá khứ hay tương lai cũng không gì có thể thay thế được.

https://youtu.be/5rFLMtpKeSE

Vậy mới nói, sáng tác nhạc theo thơ khó ở chỗ khi nghe giai điệu bài hát, cảm xúc của thính giả cần được thuần túy như khi đọc bài thơ; hay nói cách khác, bài hát và bài thơ cần thể hiện được sự đồng điệu trong tư tưởng. Bằng âm điệu và từ ngữ, nhạc sĩ đã tạo nên hình ảnh liền mạch qua trí tưởng tượng giữa người với người mà không cần họ phải trực tiếp chứng kiến hình ảnh đó.

Còn trong âm nhạc phương Tây, tiêu biểu là thể loại nhạc Cổ điển và Lãng mạn không lời (1730-1910), mỗi thính giả lại có thể vẽ nên nhiều hình ảnh khác nhau trong tâm trí chỉ bằng lắng nghe và sử dụng óc tưởng tượng.

Bản “The Swan” (Thiên nga) của nhà soạn nhạc Saint-Saëns được viết cho đàn cello và chơi trên nền hòa âm của hai đàn piano. Một piano thể hiện tiếng rung động nhẹ của mặt nước lao xao, tiếng piano kia tượng trưng cho tiếng sóng nước gợn đều. Còn đàn cello với thanh âm mượt mà, du dương tuyệt đẹp được ví như con thiên nga đang múa nhẹ nhàng và duyên dáng trên mặt hồ.

https://youtu.be/3qrKjywjo7Q

Tác phẩm “Auf Flügeln des Gesanges” (On Wings of Songs - Trên đôi cánh của lời ca) của Felix Mendelssohn cũng được phổ nhạc từ một bài thơ Đức. Với tiết tấu nhanh dần, cao độ tăng dần và giai điệu da diết; tác phẩm cho ta cảm giác lâng lâng bay bổng, tưởng như mình đang tự do bay lượn trên bầu trời xanh ngát. Và thật vậy, bài thơ Đức ấy vốn miêu tả cảm giác bay lượn cùng người mình yêu đến thiên đường yên bình ở "cánh đồng sông Hằng".

https://youtu.be/F7LnwBxPEsk

Thật không ngoa khi nói rằng âm nhạc cũng có thể vẽ, mà còn vẽ một cách có kỹ thuật, với những lớp âm thanh đóng vai trò khác nhau kết hợp cùng những mảng sắc thái đa dạng.

Khi nghe bản Sonata số 23 - Appassionata (Đam mê) của nhạc sĩ Beethoven, Lê Nin đã phải thốt lên rằng: "Tôi luôn tự hào vì mình tin vào những điều kỳ diệu mà con người có thể làm được"; bởi trong tác phẩm này, Beethoven đã thể hiện mạnh mẽ hình ảnh người anh hùng thời đại và không khí đấu tranh sôi sục của nhân dân Châu Âu từ cuối thế kỷ XVIII đến nửa đầu thế kỷ XIX.

https://youtu.be/0Ak_7tTxZrk

Hay ta như thể nhìn thấy không khí tưng bừng ngày lễ của các hội viên Davidsbündler, với tư tưởng tiến bộ chống lại phe bảo thủ nghệ thuật, khi nghe tác phẩm Carnaval (Hội hóa trang) của nhà soạn nhạc người Đức Robert Schumann (Văn, 1996).

https://youtu.be/LNo2aiKV-a0

Chúng ta không chỉ có đôi tai biết thưởng thức, mà một bộ não không hết thèm khát. Cái thèm khát ấy được sinh ra từ lòng tò mò bên trong con người, thôi thúc ta khám phá những điều mới lạ, và từ đấy, là động lực để ta tìm hiểu về nguồn gốc cũng như lịch sử hình thành của bản nhạc. Khi nghe một tác phẩm, ta có thể tìm hiểu về tác giả, hoàn cảnh sáng tác, hay cả thời đại với dòng nhạc đó. Sau quá trình ấy, việc nghe nhạc sẽ song hành với hiểu biết về giá trị nghệ thuật và giá trị nội dung. Việc này phần nào sẽ giúp người nghe tưởng tượng âm nhạc tốt hơn, bởi ta đã đặt mình vào vị trí người sáng tác và chìm đắm trong cảm xúc của họ. Từ đó, thính giả sẽ cảm nhận sâu rộng và thỏa mãn hơn với quá trình thưởng thức âm nhạc của mình.

Trí tưởng tượng của con người là vô hạn, và qua việc lắng nghe một bản nhạc, ta có thể hình dung ra bất cứ điều gì. Không nhất thiết những hình ảnh đó phải giống hoàn toàn với ý đồ của người sáng tác, nhưng hãy thử tưởng tượng và hòa mình vào âm nhạc xem. Đó có thể là bất cứ thứ gì; ví dụ, giai điệu vốn miêu tả con sóng nhẹ, bạn lại thấy một cơn gió mát thoảng qua. Không sao cả, bởi trí tưởng tượng không có đúng sai. Miễn là bạn thấy được đúng sắc thái, tác phẩm đó đã thành công đến được với bạn rồi. Hãy nhắm mắt lại, thực sự đắm chìm vào âm nhạc, thử cảm nhận và tưởng tượng; mình tin rằng bạn sẽ có một trải nghiệm hoàn toàn mới lạ và khác biệt đấy!

Đón xem kì 2: Tại sao giai điệu cứ ở mãi trong đầu ta nhỉ?


Tác giả: Ngọc Mai (Daisy) - sinh viên Viện Quản trị Kinh doanh trường Đại học VinUni - đã trót yêu tất cả những gì thuộc về nghệ thuật; từ âm nhạc, văn chương, hội họa cho tới sân khấu điện ảnh… và luôn mong muốn chia sẻ đam mê đó tới mọi người.